Báo Lao động. Năm nay, trường PTTH Anhxtanh (Hà Nội) cương quyết nói “không” với phong bì trong ngày 20/11 bằng một phương pháp rất mới: Trường yêu cầu học sinh và phụ huynh tặng quà cho thày cô bằng… gạo. Số gạo này sẽ được chuyển đến các vùng còn khó khăn thông qua các tổ chức từ thiện. Lao Động có cuộc trao đổi với hiệu trưởng Đào Tuấn Đạt về ý tưởng này.
<?> Tại sao lại là gạo mà không phải là một hình thức quyên góp nào khác, thưa thầy?
Ở Hà Nội này, mấy chục nghìn với học sinh cấp 3 bây giờ không có ý nghĩa gì. Các em đi ra đường có khi còn có cả năm sáu trăm nghìn trong túi. Yêu cầu các em đưa tiền cho ai đó để mua đồ quyên góp thì quá dễ dàng, không có mấy giá trị. Tôi muốn các em vục tay vào thùng gạo nhà mình, cảm nhận cái của cho đi, trực tiếp mang vác nó đến trường, để hiểu hơn ý nghĩa về sự sẻ chia.
<?> Thế còn phụ huynh thì sao? Việc biếu các thầy “chút quà” thông qua cái phong bì từ lâu đã trở thành một thói quen khó bỏ rồi.
– Cũng có người vẫn đưa phong bì đến. Nhưng chúng tôi dùng tất cả chỗ đó để mua gạo. Hôm qua, trường vừa chuyển sang cho quỹ “Từ thiện Thật” một tấn gạo. Tôi nghĩ rằng qua việc khích lệ học sinh làm từ thiện, thì khi chúng cảm nhận được ý nghĩa của điều đó, chúng sẽ “giáo dục” ngược lại cha mẹ mình. Chúng sẽ tự nói với bố mẹ rằng “Thày con không thích phong bì đâu”, sẽ muốn đem gạo đến thay vì những chiếc phong bì.
<?> Hoạt động này có phải là một phần trong ý đồ giáo dục của trường Anhxtanh không?
– Chúng tôi tin rằng ngoài nhiệm vụ truyền đạt kiến thức thì nhà trường còn có vai trò định hình nhân cách cho các em. Chúng tôi tổ chức việc quyên góp từ thiện rất thường xuyên, và không chỉ quyên góp, còn cho các em trực tiếp đi đến tiếp xúc với những người nhận. Nhà trường hay tổ chức những chuyến đi đến Bệnh viện nhi Trung ương. Ở đó, có những số phận rất đáng thương. Khi các em được trực tiếp chứng kiến và trao đi, tôi tin rằng những hạt giống thiện đã được gieo lên trong lòng các em.
<?> Phong bì, nhiều người chỉ nghĩ đơn giản là lời cảm ơn của những bậc phụ huynh quanh năm bận bịu không có thời gian quan tâm đến các thày, tại sao anh phải “tẩy chay” nó như thế?
Có thể văn hóa quà biếu không xấu. Nhưng nếu cứ như thời xưa, nhà nào có củ khoai thì nuôi thày bằng củ khoai, nhà nào có con gà biếu thày bằng con gà thì nó giống với tinh thần “tôn sư trọng đạo” hơn. Bây giờ, không nghĩ được ra cái quà gì, người ta quy hết thành cái phong bì. Và thứ gọi là lời cảm ơn ấy nó đã méo mó đi – bao hàm cả ý nghĩa xin-cho ở trong đấy. Anh nhận tiền của nhà người ta xong lên trên lớp anh còn dám mắng con người ta không? Cái phong bì làm anh không còn công tâm được nữa.
<?> Giáo viên các anh có sống được bằng nghề không?
Có người sống được. Những môn có nhiều nhu cầu luyện thi như Toán, Lý, Hóa thì có người còn giàu. Tất nhiên cũng không nhiều, phải thật giỏi mới sống được. Sau đấy đến Văn và tiếng Anh cũng sống được nhờ thị trường. Nhưng các môn còn lại thì khó khăn. Tôi đã gặp những thầy lấy tay che mặt khi thấy tôi trên phố: ban ngày anh ăn mặc lịch sự khi đứng trên bục giảng, nhưng đến đêm, anh lại đi làm nước tương, rồi đi giao tương cho các quán hàng. Hai hình ảnh ấy tương phản và trớ trêu lắm. Mà không phải chuyện thập kỷ trước đâu, mới đây thôi.
<?> Thế nghĩa là các thầy cô bây giờ phải chịu áp lực thị trường để sinh tồn. Thế tại sao không thể coi những dịp như 20/11 này là cơ hội để thị trường bù đắp chút nào cho các thầy?
Không, không, không thể coi đây là cơ hội cải thiện thu nhập được. Tôi đã nói rồi, anh nhận phong bì thì nghề nghiệp của anh méo mó đi, anh không còn công tâm nữa. Cái giá phải trả là quá đắt. Mà nó cũng chẳng đáng là bao nhiêu nếu so sánh với nhu cầu cuộc sống. Lòng tự trọng là điều rất cần thiết trong bất cứ nghề nghiệp nào.
<?> Thầy có nghĩ rằng những hoạt động nhằm giáo dục nhân cách cho học sinh trong trường phổ thông bây giờ đang bị quá xem nhẹ so với việc trang bị kiến thức?
– Tôi nghĩ đó là kết quả của một quan niệm sai lầm về “giáo dục toàn diện”. Nhiều người nghĩ rằng “giáo dục toàn diện” nghĩa là dạy cho học sinh giỏi tất cả các môn học, bác sỹ cũng phải giỏi văn. Trong khi đó thì “giáo dục toàn diện” nghĩa là tạo ra những con người trưởng thành, có thể chất, tinh thần và kỹ năng xã hội tốt.
Nguồn Báo lao động